QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHẤP HÀNH NHIỆM KỲ III

Thứ tư, 03/08/2011, 17:17 GMT+7
Căn cứ Điều lệ Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt theo Quyết định số 2798/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2011.
Ban Chấp hành Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh khóa III (2011-2016) họp lần thứ hai ngày 07 tháng 7 năm 2011 thống nhất nội dung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành như sau
 
 
QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHẤP HÀNH
HỘI QUẢNG CÁO TP.HỒ CHÍ MINH
KHÓA III (2011 – 2016)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HQC)
---oOo---
 :
Chương I
BAN CHẤP HÀNH
 
Điều 1. Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành:
 
 Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 kỳ Đại hội để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 14 Điều lệ Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là :
1.   Cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội và đề ra những biện pháp thực  
hiện;
2.   Phê duyệt chương trình công tác và chế độ quản lý, sử dụng tài chính hàng năm của Hội, xem xét và quyết định về lệ phí gia nhập và hội phí hàng năm của hội viên;
3.   Quyết định cơ cấu, tổ chức và bộ máy của Hội;
4.   Giám sát công việc của Ban Thường vụ và các tổ chức trực thuộc;
5.   Chuẩn bị nội dung và triệu tập Đại hội thường kỳ cũng như bất
thường của Hội;
6.   Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch Hội.
 
Điều 2.  Chế độ làm việc của Ban Chấp hành:
 
1.     Ban Chấp hành  họp thường kỳ 3 tháng một lần (hoặc họp đột xuất khi có yêu cầu bức bách). Hội nghị Ban Chấp hành do Chủ tịch (hoặc Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký được ủy nhiệm của Chủ tịch) chủ trì. Việc triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành phải được thông báo đến từng ủy viên trước ít nhất 7 ngày.
2.     Nội dung họp Ban Chấp hành thường kỳ:
-         Sơ kết, tổng kết tình hình hoạt động của Hội trong quý, 6 tháng, năm và quyết định chương trình công tác thời gian tới;
-         Kiểm điểm công tác của Ban Thường vụ giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành; quyết định các vấn đề do Ban Thường vụ đề xuất;
-         Quyết định các vấn đề về tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành;
-         Ra nghị quyết chuyên đề.
-         Các nghị quyết của Ban Chấp hành được lấy biểu quyết theo đa số thành viên có mặt. Trong trường họp phiếu ngang nhau thì quyết định thuộc về ý kiến của Chủ tịch Hội hoặc Phó chủ tịch Hội được Chủ tịch ủy quyền chủ trì. Nghị quyết của Ban Chấp hành được gửi tới thành viên BCH, các Ban chuyên môn và toàn thể hội viên.
3.      Chủ tịch Hội làm việc tại văn phòng Hội và được nhận  
 thù lao theo chức trách. Văn phòng Hội đặt tại 215A Lý Thường Kiệt,
 phường 15, quận 11, Tp. Hồ Chí Minh.
 
Điều 3.   Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy viên Ban Chấp hành:
 
§        Tham gia đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động chung của Ban Chấp hành. Nếu vắng mặt có thể cử đại diện có đủ thẩm quyền đi thay nhưng không quá 2 lần trong nhiệm kỳ; người đại diện được tham gia phát biểu, thảo luận nhưng không có quyền biểu quyết. Trường hợp  vắng mặt không có người họp thay thì phải báo cáo bằng văn bản và gửi kèm các ý kiến đóng góp nội dung hội nghị.  Các Ủy viên vắng mặt 2 kỳ họp liên tiếp không có lý do chính đáng thì sẽ bị xem như tự ý rút tên khỏi danh sách và Ban Chấp hành sẽ bầu ủy viên khác thay thế;
§        Có chương trình hành động trong nhiệm kỳ. Trong đó, đề xuất ít nhất một đề án hoặc sự kiện cụ thể, thiết thực phục vụ cho hoạt động của Hội;
§        Tích cực đóng góp ý kiến vào các nội dung chương trình hoạt động của Hội; thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Ban Chấp hành và nhiệm vụ do BCH phân công;
§        Đóng góp đầy đủ hội phí quy định dành cho Ban Chấp hành;
§        Được cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến hoạt động của Hội;
§        Được Chủ tịch ủy quyền tổ chức hoặc tham gia tổ chức các đề án, các sự kiện do Hội chủ trì.
 
Chương II
BAN THƯỜNG VỤ VÀ CÁC ỦY VIÊN THƯỜNG VỤ
 
Điều 4.   Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ:
 
Ban Thường vụ là cơ quan điều hành hoạt động của Hội giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành. Ban Thường vụ có trách nhiệm và quyền hạn sau :
-         Cụ thể hóa và triển khai việc thực hiện nghị quyết Ban Chấp hành;
-         Chuẩn bị các đề án , dự thảo văn bản của các cuộc họp Ban Chấp hành và gửi cho Ủy viên Ban Chấp hành trước khi họp ít nhất 3 ngày;
-         Xây dựng và điều hành các bộ phận công tác được lập ra;
-         Bổ nhiệm và miễn nhiệm các trưởng ban và người phụ trách các tổ chức trực thuộc;
-         Quyết định kết nạp, xóa tên, khen thưởng và kỷ luật hội viên;
-         Lập dự toán và quyết toán tài chính hằng năm;
-         Bầu các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký.
 
Điều 5.   Chế độ làm việc của Ban Thường vụ:
 
1.     Ban Thường vụ họp thường kỳ mỗi quý ít nhất 2 lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch.
 
2.     Nội dung họp thường kỳ của Ban Thường vụ gồm :
-         Kiểm tra đánh giá công việc thực hiện giữa 2 kỳ họp;
-         Đề ra các biện pháp triển khai thực hiện chủ trương nghị quyết của Ban Chấp hành;
-         Giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ giữa 2 kỳ họp. Trong trường họp không tổ chức được kỳ họp thì sẽ gửi tài liệu đến các ủy viên thường vụ để lấy ý kiến và văn bản phản hồi được xem như phiếu biểu quyết;
-         Ra nghị quyết họp Ban Thường vụ và các quyết định có liên quan. Nghị quyết của Ban Thường vụ được biểu quyết theo đa số thành viên có mặt và được gửi tới các Ủy viên Ban Chấp hành, các ban chuyên môn và toàn thể hội viên.
 
Điều 6.   Trách nhiệm - quyền hạn của Ủy viên Ban Thường vụ:
 
1.     Tham gia đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động của Ban Thường vụ. Trường hợp vắng mặt phải báo cáo bằng văn bản và gửi kèm các ý kiến đóng góp cho nội dung hội nghị qua email của Hội;
2.     Thảo luận đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ban Thường vụ phân công.
 
3.     Chủ tịch Hội:
-         Là người phụ trách chung, đại diện pháp lý của Hội, và là người trực tiếp quản lý điều hành các hoạt động của văn phòng Hội;
-         Là chủ tài khoản và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động thu chi tài chính của Hội; Triệu tập và chủ trì các cuộc họp Ban Chấp hành và Ban Thường vụ, chỉ đạo điều hành việc triển khai các nghị quyết của BCH và BTV Hội;
-         Ký quyết định thành lập hoặc giải thể, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm người đứng đầu các bộ phận trực thuộc Hội; kết nạp, xóa tên, khen thưởng, kỷ luật đối với hội viên hoặc các tổ chức trực thuộc Hội; ký quyết định ban hành các văn bản quy định nội bộ sau khi được Hội nghị Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ Hội thông qua;
-         Tùy theo yêu cầu công tác, Chủ tịch có thể mời thêm cố vấn, trợ lý, chuyên gia để tham mưu giúp việc cho các lĩnh vực chuyên sâu của Hội;
-         Chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, toàn thể hội viên và trước pháp luật về mọi hoạt động của Hội và văn phòng Hội.
 
4.     Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký:
Là người thay mặt Chủ tịch khi Chủ tịch vắng mặt và giúp Chủ tịch điều hành trực tiếp mọi hoạt động văn phòng với các nhiệm vụ sau đây:
-         Cùng Chủ tịch lập kế hoạch hành động hàng năm trên cơ sở định hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ III; Trình bày, thông qua Ban Thường vụ và Chủ tịch kế hoạch hành động trước khi triển khai thực hiện;
-         Theo dõi, tổng hợp các hoạt động của Hội; lập báo cáo hằng năm, báo cáo nhiệm kỳ và chuẩn bị các nội dung giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành và Ban Thường vụ;
-         Xây dựng quy chế hoạt động của văn phòng. Ký các văn bản thuộc thẩm quyền và các văn bản do Chủ tịch ủy quyền;
-         Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành về các công việc được quy định trong phạm vi trách nhiệm của Tổng Thư ký.
 
5.     Phó Chủ tịch:
-         Các Phó Chủ tịch là người giúp việc cho Chủ tịch được Ban Thường vụ phân công lãnh đạo từng lãnh vực công tác của Hội.
-         Các Phó Chủ tịch có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi đôn đốc lãnh vực được phân công và ký thay Chủ tịch những văn bản thuộc lãnh vực phụ trách khi được Chủ tịch ủy quyền.
 
6.     Trưởng các Ban chuyên môn:
-         Các Ủy viên Thường vụ được phân công làm Trưởng ban có nhiệm vụ giúp Chủ tịch giải quyết các công việc của Ban.
-         Trưởng ban có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban và tổ chức thực hiện sau khi được Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành thông qua.
-         Ký các văn bản có liên quan đến công tác của Ban trước khi ban hành chính thức.
 
Chương III
CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM VÀ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
 
Điều 7.  Chế độ trách nhiệm:
 
1.     Ban Chấp hành làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung, tập thể thảo luận và quyết định theo đa số có mặt, cá nhân chịu trách nhiệm theo nhiệm vụ được phân công.
2.     Quyền phát ngôn của Hội được giao cho Chủ tịch và Tổng Thư ký. Các Ủy viên còn lại chỉ được phát ngôn trong phạm vi trách nhiệm được giao và có báo cáo cho Chủ tịch Hội.
 
Điều 8.  Khen thưởng, kỷ luật:
 
-         Các thành viên Ban Chấp hành có thành tích xuất sắc sẽ được xem xét, đề nghị tổ chức Hội, Hiệp hội hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng thích hợp.
-         Ủy viên Ban Chấp hành vi phạm các quy định của Hội sẽ tùy trường hợp mà đề nghị BCH các biện pháp kỷ luật theo quy định của Điều lệ.
 
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 
Điều 9.  Quy chế này gồm 4 chương, 9 điều đã được Hội nghị lần 2 Ban Chấp hành Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh khóa III thông qua ngày 07 tháng 7  năm 2011 và có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch ký Quyết định ban hành.
 
          Các Ủy viên Ban Chấp hành, các Ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc Hội và hội viên có trách nhiệm thi hành quy chế này.     
                                                            

 
 
Nơi nhận:
- Sở Văn hóa TT & Du lịch (thay báo cáo)
- Hiệp hội Doanh nghiệp (thay báo cáo)
- HH Quảng cáo Việt Nam (thay báo cáo)
- Ban Chấp hành Hội QCTPHCM
- Toàn thể hội viên HQCTPHCM
- Lưu VP.
 
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH
 
 
(đã ký)
 
 
 
Nguyễn Tuấn Việt