ĐIỀU LỆ HỘI NHIỆM KÌ IV (2016-2021)

Điều 15. Ban Thường trực Hội

1. Ban Thường trực Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành; Ban Thường trực gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn Ủy viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Thường trực cùng với nhiệm kỳ Đại hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thuờng trực:

a) Giúp Ban Chấp hành triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, Điều lệ Hội; tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành; lãnh đạo hoạt động của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành;

b) Chuẩn bị nội dung và quyết định triệu tập họp Ban Chấp hành;

c) Quyết định thành lập các tổ chức, đơn vị thuộc Hội theo nghị quyết của Ban Chấp hành; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo các tổ chức, đơn vị thuộc Hội.

d) Liên hệ trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước và các ngành chức năng về những vấn đề trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội

e) Kết nạp và xét khai trừ hội viên.

3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Thường trực:

a) Ban Thường trực hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội;

b) Ban Thường trực họp thường kỳ mỗi quý ít nhất 2 (hai) lần, có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tích Hội hoặc trên 2/3 (hai phần ba) tổng số Ủy viên Ban Thường trực.

c) Các cuộc họp của Ban Thường trực là hợp lệ khi có trên 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Thường trực tham gia dự họp. Ban thường trực có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Ban Thường trực quyết định.

d) Các nghị quyết, quyết định của Ban Thường trực được thông qua khi có trên ½ (một phần hai) tổng số Ủy viên Ban Thường trực dự họp biểu quyết tán thành. Trong trường hợp số ý kiến tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định thuộc về bên ý kiến của Chủ tịch Hội.

Điều 16. Ban Kiểm tra Hội

1. Ban Kiểm tra Hội gồm Trưởng ban, Phó trưởng ban và một số Ủy viên do Đại hội bầu ra. Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra cùng với nhiệm kỳ Đại hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm tra:

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường trực, các quy chế của Hội trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội, hội viên;

- Kiểm tra việc quản lý tài sản và tài chính của Hội

- Xem xét, giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, hội viên và công dân gửi đến Hội.

- Báo cáo tình hình thực hiện việc kiểm tra tại Đại hội và tại các cuộc họp của Ban Chấp hành.

3. Nguyên tắc hoạt động của Ban Kiểm tra: Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành, tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Điều 17. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội

1. Chủ tịch Hội là đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Hội. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành Hội. Tiêu chuẩn Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hội;

b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của Hội, trước Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hội về mọi hoạt động của Hội. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội theo quy định Điều lệ Hội; nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hội;

c) Chủ trì các phiên họp của Ban Chấp hành; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Thường trực;

d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường trực ký các văn bản của Hội;

đ) Khi Chủ tịch Hội vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Hội được ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Chủ tịch Hội.

3. Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành Hội. Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội quy định.

Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch Hội chỉ đạo, điều hành công tác của Hội theo sự phân công của Chủ tịch Hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch Hội phân công hoặc ủy quyền. Phó Chủ tịch Hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hội phù hợp với Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.

Điều 18. Văn phòng và các tổ chức thuộc Hội

  • Văn phòng Hội được tổ chức và hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành Hội quyết định

Các tổ chức trực thuộc Hội được thành lập theo quyết định của Ban Thường trực Hội từ yêu cầu thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội và các hội viên hoạt động.

 

 

Chương V

CHIA, TÁCH; SÁP NHẬP; HỢP NHẤT; ĐỔI TÊN VÀ GIẢI THỂ

Điều 19. Chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và đổi tên và giải thể Hội

Việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể Hội thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, quy định của pháp luật về hội, nghị quyết Đại hội và các quy định pháp luật có liên quan.

Chương VI

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 20. Tài chính, tài sản của Hội

1. Tài chính của Hội:

a) Nguồn thu của Hội:

  • Hội phí đóng góp hàng năm của hội viên.
  • Thu từ các hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật;
  • Các khoản thu hợp pháp khác.

b) Các khoản chi của Hội:

  • Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội;
  • Chi thuê trụ sở làm việc, mua sắm phương tiện làm việc;
  • Giao tế, tham gia công tác từ thiện xã hội;
  • Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của Ban Chấp hành;
  • Các khoản chi khác.

2. Tài sản của Hội: Tài sản và tài chính của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 21. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội

1. Tài chính, tải sản của Hội chỉ được sử dụng cho các hoạt động của Hội.

2. Tài chính, tài sản của Hội khi chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Ban Chấp hành Hội ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội.

 

 

Chương VII

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 22. Khen thưởng

1.Tổ chức, đơn vị thuộc Hội, hội viên có thành tích xuất sắc được Hội khen thưởng hoặc được Hội đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Ban chấp hành Hội quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, thủ tục khen thưởng trong nội bộ Hội theo quy định của Pháp luật và điều lệ Hội.

Điều 23. Kỷ luật

1. Hội viên, tổ chức, đơn vị thuộc Hội vi phạm pháp luật; vi phạm Điều lệ, quy định, quy chế hoạt động của Hội thì bị xem xét, thi hành kỷ luật bằng các hinh thức: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ Hội.

            2. Ban chấp hành Hội quy định cụ thể thẩm quyền, quy trình xem xét kỷ luật trong nội bộ Hội theo quy định của Pháp luật và Điều lệ Hội.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội

Chỉ có Đại hội Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh mới có quyền sửa đổi và bổ sung Điều lệ này. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải được 2/3 (hai phần ba) số đại biểu tham dự tán thành và được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt mới có giá trị thi hành.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

  1. Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh gồm 08 (tám) Chương, 25 (hai mươi lăm) Điều đã được Đại hội Đại biểu Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ IV (2016-2021) thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Căn cứ quy định pháp luật về Hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội Quảng cáo thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

 

Trang trước